Hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch - Giải Pháp Nhà Hàng Khách Sạn Toàn Diện

Ngày 21/4/2015 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Hiệp hội Khách sạn Việt nam đã tổ chức Hội nghị "Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cơ sở lưu trú du lich".


Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, lãnh đạo các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố, Hiệp hội du lịch địa phương, cùng toàn thể các Giám đốc, chủ đầu tư các khách sạn/khu nghỉ dưỡng từ 3-5 sao trên toàn quốc.

Mở đầu Hội nghị, bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã nêu lên thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Tính đến hết năm 2014, cả nước có 16.000 cơ sở lưu trú với 332.000 phòng. Trong đó, có 75 khách sạn năm sao, 191 khách sạn bốn sao, 381 khách sạn ba sao, 1.180 khách sạn hai sao, 2.460 khách sạn một sao, còn lại là các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch.


Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam đang phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Bên cạnh sự nỗ lực của các nhà đầu tư và quản lý khách sạn trong nước, sự hiện diện của các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới trong đầu tư và quản lý khách sạn tại Việt Nam đã góp phần thay đổi diện mạo và tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Có thể kể đến những cơ sở lưu trú du lịch cao cấp mang thương hiệu Việt hoặc mang thương hiệu của các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng nước ngoài đã hoạt động có hiệu quả ở Việt Nam trong nhiều năm qua như: Sofitel Metropole, Sheraton, Intercontinental (Hà Nội), Rex, Park Hyatt Saigon, Caravelle, New World (TP Hồ Chí Minh), The Nam Hải (Quảng Nam), Vinpearl, Six senses Hideway Ninh Van Bay (Khánh Hòa)...Đặc biệt là trong thời gian gần đây, có hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch với quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như: JW Marriott, Grand Plaza (Hà Nội), Lagauna (Thừa Thiên-Huế), Intercontinental, Hyatt Regency (Đà Nẵng), Havana (Khánh Hòa), Sea links Beach (Bình Thuận), Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu)...Hầu hết những cơ sở lưu trú du lịch này có quy mô trên 200 buồng, cá biệt có những cơ sở có quy mô trên 500 buồng. Đồng thời, ở Việt Nam cũng đã hình thành chuỗi khách sạn mang thương hiệu Việt có đẳng cấp như Vinpearl của tập đoàn Vingroup. Gần đây, chuỗi khách sạn của tập đoàn Mường Thanh với 37 khách sạn ở 22 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có nhiều khách sạn quy mô lớn đã góp phần tạo dấu ấn, tăng cường năng lực cạnh tranh cho hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, giám đốc các khách sạn lớn tại Việt Nam cũng đã đưa ra những kinh nghiệm, chia sẻ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh khách sạn tại Việt Nam.

Ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An, cho rằng việc khách sạn ở một số địa phương tăng giá vào những thời điểm đông khách là một thất bại của du lịch. Khách sẽ quay lưng nếu giá cả thất thường. "Giá khách sạn ở Hội An thường cao hơn Đà Nẵng - điểm đến cách đó không xa - khoảng 30% vì nhiều lý do nhưng giá cao hơn thì dịch vụ cũng phải tốt và đảm bảo ổn định. Chính nhờ giữ giá mà tỉ lệ khách quay lại của chúng tôi khá cao," ông nói.


Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho rằng khách sạn phải tăng thêm nhiều dịch vụ cộng thêm để thu hút khách. Tập đoàn thường phát triển thêm công viên giải trí hay sân golf ở các tổ hợp du lịch để mang đến sự trải nghiệm tốt hơn cho khách và đã thu được kết quả tốt từ mô hình này. "Với sân golf, chúng tôi thu hút được khá nhiều du khách từ vùng Đông Bắc Á vì những khách này rất thích chơi golf nhưng khó thực hiện ở nước họ vào mùa đông. Với những khu giải trí như Vinpearl Land ở Phú Quốc hay Nha Trang chúng tôi cũng thu hút được nhiều khách, đặc biệt là khách gia đình đến nghỉ dưỡng và vui chơi".


Cùng mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam, đại diện Công ty CP Giải pháp Khách sạn Việt - Tổng giám đốc Lương Thanh Nam cũng góp một bài phát biểu về ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý khách sạn, nhà hàng. Với nhu cầu nâng cao giải trí trong phòng tại khách sạn, cũng như đưa công nghệ mới vào quy trình quảng bá tại khách sạn, nhà hàng, VIETSOLUTIONS tự hào giới thiệu các công nghệ mà công ty giới thiệu cho các khách hàng tại Việt Nam.


Kết thúc Hội nghị Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết giá phòng khi cao, khi thấp thất thường đã ảnh hưởng đến cạnh tranh của hệ thống khách sạn. Có những thời điểm, giá phòng ở Việt Nam cao hơn giá phòng cùng hạng ở những điểm đến lân cận làm giá tour trọn gói cao, khó thu hút khách. Tuy nhiên, cũng có nhiều lúc, một số khách sạn lại chọn cách thu hút khách bằng việc giảm chất lượng để giảm giá bán gây thiệt hại đến khách hàng và uy tín, chất lượng của toàn hệ thống.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:














VIETSOLUTIONS trích từ nguồn Hiệp Hội Khách sạn Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Lên đầu