Những lý do thường thấy khi khách muốn đi du lịch. - Giải Pháp Nhà Hàng Khách Sạn Toàn Diện


Những lý do thường thấy khi khách muốn đi du lịch.
Trong thời đại ngày nay thì nhu cầu đi du lịch của mọi người ngày một tăng mạnh, đặc biệt là ở đối tượng đang đi làm, họ đôi khi muốn tìm một nơi nào đó yên tĩnh, đẹp...để có thể trút bỏ những mệt mỏi sau những ngày làm việc vất vả. Ở góc độ là nhà quản lý khách sạn, nếu nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch thì có thể khai thác triệt để những nhu cầu này của khách hàng tiềm năng này. Ngoài việc phải tạo ra nhu cầu cho khách hàng như làm các chương trình, sự kiện, quảng cáo tiếp thị để đưa những thông tin hấp dẫn, lôi cuốn đến khách hàng để tạo ra nhu cầu cho họ thì quản lý khách sạn cần có những nghiên cứu ra chân dung chính xác của khách hàng để có những chiến thuật tiếp cận đúng đắn.
Để quyết định đi du lịch, nghỉ dưỡng thì có rất nhiều lý do tác động đến quyết định của khách du lịch, nhưng có 3 lý do chính mà tác động và ảnh hưởng đến sự ra quyết định của họ nhất chính là:
- Đi du lịch kết hợp công tác (tham gia hội nghị, gặp gỡ đối tác và khách hàng)
- Đi du lịch theo nhóm, gia đình
- Đi du lịch vì đam mê cá nhân.
Sau khi xác định được chân dung của 3 nhóm khách hàng này thì bản thân người quản lý khách sạn phải có những thay đổi sao cho phù hợp, truyền tải đúng thông điệp và tiếp cận ở những công cụ, phương tiện khác nhau.

1. Đi du lịch kết hợp công tác:
Đối với những đối tượng khách du lịch theo dạng này thì  Khách sạn cần chứng tỏ sự sang trọng, lịch sự, đẳng cấp và tiện nghi về cơ sở vật chất như có phòng họp, hội thảo, hạ tầng công nghệ thông tin tốt, wifi mạnh, có cửa hàng cafe bên trong khách sạn...Riêng về phòng ngủ thì thường đối tượng này sẽ không có nhu cầu chia sẻ phòng với người khác, phòng cũng không quá rộng và đặc biệt là thiết bị công nghệ trong phòng phải giúp được cho họ trong công việc như: online, checkemail, xem tin tức, kênh giải trí...
Vì bản chất của đối tượng này là có thể đi công tác nhiều lần trong 1 năm và họ thường lựa chọn những đơn vị họ đã từng sử dụng qua (mà họ cảm thấy chất lượng dịch vụ tốt), điều này mang lại nguồn doanh thu lớn cho khách sạn.
Các tiếp cận và biết được nhu cầu của đối tượng này đó chính là liên hệ theo thông tin mà họ cung cấp khi đến sử dụng dịch vụ của khách sạn, song song với việc đó là quan tâm, chăm sóc và có những ưu đãi dành riêng cho đơn vị đó cũng như tạo mối quan hệ, liên lạc thường xuyên để tạo ấn tượng tốt cũng như chiếm một vị trí trong tâm trí khách hàng.

2. Đi du lịch theo nhóm, gia đình:
Đối với khách du lịch đi theo nhóm thì khách sạn cần có những gói dịch vụ giá rẻ, chất lượng và phù hợp...từ việc cung cấp phòng ngủ, các dịch vụ ăn uống. Trang thiết bị trong khách sạn không cần phải là những thiết bị tiêu chuẩn cao, xu hướng của nhóm du lịch là họ sẽ vận động với các chương trình tập thể và khi trở về khách sạn thì họ sẽ ít quan tâm đến các trang thiết bị trong khách sạn (nhưng không vì đó mà sử dụng những vận dụng tồi tàn và nghèo nàn nhé ^^ ).
Bản chất của nhóm đối tượng này thường thì họ sẽ lựa chọn điểm đến vì chỗ đó có một khu du lịch, phong cảnh đẹp hoặc một điều gì đó thu hút nhiều người...còn chỗ ở thì họ có thể tìm kiếm trên mạng, nhận thông tin từ những người đã đi chia sẻ...vì vậy việc tiếp cận và truyền thông những thông tin của khách sạn đến nhóm đối  tượng này có thể thông qua những diễn đàn, mạng xã hội và thông tin truyền miệng. Truyền thông qua những "người nổi tiếng hay đi du lịch" cũng là cách tiếp cận tốt nhất đến đối tượng này.

3. Đi du lịch vì sở thích, đam mê:
Đối với du khách dạng này thì có thể họ chỉ đi 1 địa điểm và một đi không bao giờ quay lại (nói thì hơi quá nhưng có thể lần sau họ tới với một nhóm bạn). Tuy nhiên không phải vì thế mà khách sạn "ra sức" khai thác từ đối tượng này, có những nơi còn chặt chém du khách dạng này, điều này quả thực không tốt chút nào đặc biệt là trong thời kì truyền thông quá nhanh và "quá nguy hiểm", dân thường cũng có thể trở thành nhà báo (Không tin các bạn lên Google search những vụ chặt chém khách du lịch thì biết).
Nhu cầu sử dụng dịch vụ của đối tượng khách dạng này cũng giống như nhóm trên, dịch vụ và trang thiết bị không cần quá cao siêu, giá thấp chấp nhận được vì những người này ngân sách cho mỗi chuyến đi họ tính toán rất kĩ vì họ phải đi nhiều chỗ mà. Nói thiệt chứ mấy người thuộc nhóm này họ ngủ bụi cũng được chứ đừng nói là có tấm nệm để ngả lưng là mừng rồi.
Phương thức tiếp cận đối tượng này cũng giống như nhóm trên và đặc biệt cho họ thấy được, những sản phẩm dịch vụ tại khách sạn của bạn không chênh lệch giá quá cao so với các cơ sở lưu trú khác (nhà nghỉ, nhà trọ...) và họ sẽ được nhiều ưu đãi hơn khi sử dụng dịch vụ của đơn vị mình. Thêm vào đó cũng là đưa thông tin lên những diễn đàn và mạng xã hội.

Trên đây là những chia sẻ về cách tiếp cận cũng như xác định "chân dung" khách hàng mục tiêu để quản lý khách sạn có thể tham khảo và đưa ra những nội dung thông điệp tiếp cận gần nhất với khách hàng mục tiêu. Ngoài ra cũng nên xem xét thế mạnh của đơn vị mình để tập trung vào một phân khúc khách hàng mục tiêu để có thể tăng lợi thế cạnh tranh cũng như tạo bản sắc riêng cho đơn vị mình.





0 comments:

Post a Comment

 
Lên đầu