Thuê được mặt bằng khách sạn để mở nhà hàng luôn được hưởng lợi từ
danh tiếng và phân khúc thực khách. Tuy nhiên, để mở nhà hàng trong
khách sạn đòi hỏi cách tiếp cận đúng concept, xây dựng đối tác và thỏa
thuận hợp đồng giữa các bên một cách hợp lý.
Tìm vị trí
Sự thành công của một nhà hàng luôn bắt
đầu từ vị trí. Tương tự, việc mở nhà hàng tại khách sạn phải xem xét vị
trí có đạt được hiệu quả tối ưu. Trước khi nói chuyện với chủ khách sạn
về việc mở nhà hàng thì chủ đầu tư cần điều tra số lượng khách của khách
sạn theo mùa, phân khúc khách nào sẽ đến khách sạn, chuỗi khách địa
phương xung quanh bán kính khách sạn; cũng cần tìm hiểu doanh thu hằng
năm của khách sạn...
Xây dựng hợp đồng
Đây là yếu tố tìm kiếm sự đồng thuận
giữa chủ nhà hàng và chủ khách sạn, cũng như để giải quyết các tranh
chấp nếu có giữa hai bên. Có hai điểm cần lưu ý: Nếu chủ đầu tư nhà hàng
ký hợp đồng với một công ty quản lý bên ngoài, là đối tác chịu trách
nhiệm quản lý khách sạn thì cần đạt được thỏa thuận tương ứng với các
quyền và nghĩa vụ giữa công ty quản lý với chủ khách sạn đã ký kết từ
trước. Điều này nhằm làm cho chủ đầu tư nhà hàng không rơi vào tình thế
bất lợi nếu mối quan hệ giữa công ty quản lý và chủ khách sạn có bất
đồng. Nếu chủ đầu tư nhà hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ khách sạn
thì đảm bảo được tính độc lập kinh doanh và loại trừ bớt các điều kiện
ràng buộc.
Chia sẻ chi phí
Do thiết lập nhà hàng bên trong khách
sạn, nên chủ đầu tư cần xác định rõ các loại chi phí xây dựng nào mình
sẽ chịu và chi phí nào chủ khách sạn chia sẻ. Bởi vì chủ nhà hàng nhiều
khi còn phải thực hiện theo kiến trúc, trang trí cho phù hợp với quy
chuẩn của khách sạn. Các chi phí này sẽ được tính khi chuẩn bị đưa nhà
hàng vào hoạt động theo các điều khoản thoả thuận giữa khách sạn và nhà
hàng.
Do đó, chủ đầu tư nhà hàng cần xem xét
xây dựng hay sửa chữa, nâng cấp ở đâu là cần thiết, ai sẽ trả chi phí
vật liệu hay ai sẽ thuê nhân công để hoàn hiện công việc… Rồi chủ khách
sạn sẽ nhận được tỷ lệ doanh thu bao nhiêu nếu như họ là người cung cấp
khách cho nhà hàng, và chủ nhà hàng cần thực hiện điều gì sau khi hợp
đồng hợp tác chấm dứt…
Đáp ứng kỳ vọng cho khách của khách sạn
Nhiều vị khách của khách sạn thích có
những bữa ăn phục vụ tại phòng, tất nhiên họ cũng kỳ vọng không phải chỉ
là dịch vụ trực tiếp từ khách sạn mà còn của nhà hàng. Do đó, chủ đầu
tư nhà hàng cần thỏa thuận với chủ khách sạn để đạt được sự chia sẻ
khách, kể cả dịch vụ ẩm thực mở rộng nhằm tăng thêm nguồn thu, mở rộng
độ nhận biết thương hiệu. Chủ nhà hàng cũng cần xem xét phục vụ tiệc cho
hội nghị tổ chức tại khách sạn.
Thuê và chia sẻ nhân viên
Chủ đầu tư nhà hàng nên thảo luận với
chủ khách sạn việc thuê nhân viên, chẳng hạn sẽ do nhà hàng tự chủ hay
một số nhân viên khách sạn cùng tham gia vào công việc ở nhà hàng. Hai
cách này đều chứa đựng cả ưu lẫn nhược điểm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào
yếu tố kinh doanh, hãy cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định cuối cùng.
Nếu thực hiện theo phương án chia sẻ
nhân viên, có nghĩa rằng nhân viên của khách sạn phụ thêm việc nhà hàng,
sẽ giúp họ có việc quanh năm, thay vì sẽ phải nghỉ giãn cách trong mùa
thấp điểm. Và chủ nhà hàng cũng không phải tuyển nhiều nhân viên để bù
cho những mùa cao điểm hoặc những giờ đông khách. Hẳn nhiên, nhà hàng
phải chia sẻ chi phí tiền lương cho khách sạn, nhưng chi phí này sẽ thấp
hơn chi phí cho nhân viên chính thức của nhà hàng. Nhân viên khách sạn
cũng phải học các kỹ năng, nghiệp vụ của nhà hàng để thực hiện tốt công
việc. Tuy nhiên, cách này cũng có nhược điểm là nhân viên khó có thể
thực hiện trọn vẹn công việc của cả khách sạn lẫn nhà hàng. Chưa kể quản
lý hai bên cần thống nhất thời điểm lúc nào làm cho nhà hàng và lúc nào
làm cho khách sạn. Cũng cần chú ý, có lúc cả nhà hàng lẫn khách sạn đều
đông khách thì phải có cách để công việc của cả hai bên không bị đình
trệ.
Tất nhiên nhà hàng tự thuê nhân viên sẽ chủ động trong mọi việc nhưng chi phí sẽ cao hơn cách hợp tác với khách sạn.
Trách nhiệm giữa các bên
Khách sạn có thể chỉ cho thuê không
gian, còn lại các việc như giấy phép, cơ sở vật chất, chủ đầu tư nhà
hàng phải tự lo. Do đó, chủ nhà hàng phải đánh giá được các yếu tố về
trách nhiệm và chi phí để xem có đủ nguồn lực thực hiện trước khi khởi
động kinh doanh trong khách sạn hay không.
Các tiện ích như gas, điện, nước thì chủ
đầu tư nhà hàng phải xem có khả năng lắp đặt và tính chi phí cho công
việc này. Giấy phép bán rượu cũng khá phức tạp nếu chính quyền sở tại
đòi hỏi nhiều điều kiện ràng buộc thì hỏi chủ khách sạn có thể phụ giúp
vấn đề này hoặc yêu cầu họ cho mượn tạm giấy phép hoạt động. Đối với
việc vệ sinh, hỏi xem có thể mượn nhân viên housekeeping của khách sạn
thực hiện giùm luôn công việc này và trả phí theo thỏa thuận. Cũng nên
tính toán giới hạn tiếng ồn để lắp đặt cách âm, tránh ảnh hưởng đến
khách lưu trú tại khách sạn.
VIETSOLUTIONS sưu tầm từ nguồn ATKS
|
Trang chủ
»
bếp nhà hàng
»
chủ khách sạn
»
hoạt động của nhà hàng
»
nhà hàng
»
nhà hàng của khách sạn
» Nhà hàng trong khách sạn: Chính chủ và không chính chủ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment