Phục vụ phòng (Housekeeping) cũng là nghề tiến thân... - Giải Pháp Nhà Hàng Khách Sạn Toàn Diện

 Không có việc gì xấu mà chỉ có mình làm xấu. Mình phải làm việc như thế nào để người ta thấy đó là nghề đáng được học.
Tốt nghiệp Ðại học Tổng hợp khoa tiếng Anh, rồi làm việc cho một công ty nhà nước với mức lương 300.000 đồng/tháng, tối nhận may gia công để phụ thêm với gia đình. Sau đó chị Thể thử sức với nghề phục vụ phòng (housekeeping)...

Năm 1989, khách sạn nổi của Úc được phép kinh doanh tại Việt Nam, ngay bến Bạch Ðằng, tôi thử đi phỏng vấn và đậu. Vị trí đầu tiên tôi làm là phục vụ phòng. Bạn bè ngạc nhiên khi thấy tôi chọn công việc đó. Sự lựa chọn này là xuất phát từ khó khăn của gia đình, mức lương tại khách sạn của tôi lúc đó là 50 USD/tháng, gấp nhiều lần so với làm việc cho nhà nước.





Buổi đầu tôi cũng hơi tủi nhưng dần dần, thấy đam mê công việc, gia đình lại ủng hộ và nhất là có môi trường để trau dồi tiếng Anh. Với vị trí thấp nhất là nhân viên phục vụ phòng, nhưng khi sử dụng máy hút bụi hay dùng máy giặt thảm, máy chải sàn tôi lại thấy thích thú vì những dụng cụ ấy tại Việt Nam lúc đó chưa có, nhập hoàn toàn từ Úc. Từ những cái nhỏ như vậy của nghề khách sạn dần cuốn hút tôi.


"Sau 9 tháng làm nhân viên, tôi "lên chức" Supervisor, giám sát công việc phục vụ phòng. Hai năm sau, tôi làm trợ lý cho trưởng bộ phận Housekeeping cho đến khi khách sạn hết thời gian kinh doanh tại Việt Nam. Hiện tại, tôi đang làm ở Bệnh viện Pháp - Việt với vị trí Executive Housekeeper."

Bà Phan Thị Phi Thể - Nguyên Executive Housekeeper Bệnh viện Pháp- Việt, The Saigon Floating Hotel, chuyên viên trường Quản lý Khách sạn Việt Úc [VAAC]

Như chị đã nói, đừng cho rằng nghề phục vụ phòng là thấp kém, vậy chị truyền đạt quan niệm này cho nhân viên mới vào nghề như thế nào?

"Tôi thường khuyên bảo họ đừng nhìn housekeeping là công việc tầm thường. Không có việc gì xấu mà chỉ có mình làm xấu. Mình phải làm việc như thế nào để người ta thấy đó là nghề đáng được học. Có nhiều người cho rằng nghề housekeeping giống như việc dọn nhà cửa, không có gì đáng để học, nhưng khi bước vào học mới thấy được cái khó của nó. Không dễ gì trải tấm drap giường cho đẹp, dọn dẹp phòng vệ sinh cho đúng tiêu chuẩn. Có nhiều bạn phải học mất 5 – 7 ngày để bung tấm drap cho gọn.



Tôi thường động viên nhân viên mới ra trường hãy bỏ ý nghĩ làm thầy mà hãy bắt đầu công việc của một người thợ vì kinh nghiệp nghề sẽ xuất phát từ đó. Chẳng hạn, bạn không dễ xin vào bộ phận Front Office hay Marketing của khách sạn Park Hyatt Saigon vì mới ra trường còn non, thiếu kinh nghiệm. Nếu bạn chấp nhận bắt đầu công việc từ Housekeeping thì cơ hội chuyển sang các bộ phận khác là rất lớn vì ở các khách sạn lớn, khi bộ phận khác thiếu người họ thường ưu tiên người trong nội bộ. Mà bộ phận Housekeeping và bếp là hai bộ phận dễ xin vào khách sạn nhất. Nếu bạn xác định Housekeeping là xuất phát điểm để tiến thân thì đừng e ngại.


* Chị đã học được những gì từ người nước ngoài?

Người nước ngoài không tiết kiệm lời khen. Có những công việc làm xong, mình thấy rất bình thường, nhưng họ lại khen ngợi mình rất nhiều. Và sau này, khi đã làm quản lý, tôi cũng học hỏi họ điều này.


Lời khen của mình cũng chính là cách động viên nhân viên. Người nước ngoài khá kỹ lưỡng và chi tiết. Mình nghĩ cái phòng mình làm sạch rồi, nhưng chưa chắc họ lại nghĩ như vậy. Họ kiểm tra những vị trí bất ngờ nhất mà mình hay bỏ quên, như trên nóc máy lạnh, mặt dưới của lavabô…


Chỉ khi nào họ quẹt tay mà thấy không còn bụi nữa thì mới gọi là sạch. Họ làm việc theo kiểu tay sờ mắt thấy chứ không đứng chắp tay nhìn rồi thôi. Tôi đã học sự tỉ mỉ này, nên mỗi lần đi kiểm phòng là năm đầu ngón tay dơ hết. Họ cũng rất quan tâm đến nhân viên.


Tôi nhớ lúc làm việc với một sếp nữ người Malaysia, tôi được chỉ bảo rất tận tình từ cách kiểm phòng cho đến cách làm giấy tờ. Trong công việc cô ấy rất nghiêm nhưng hết giờ, ra ngoài chơi thì lại như bạn bè, không có sự cách biệt nào hết, rất hòa đồng. Thấy ai có chuyện buồn là cô ấy hỏi thăm, chia sẻ, động viên. Tôi luôn tâm đắc vấn đề đào tạo đầu tiên của các khách sạn nước ngoài là luôn nở nụ cười, cho dù bạn làm phòng có mệt như thế nào chăng nữa, khi gặp khách, trước tiên phải cười. Với tôi, nụ cười mang lại bạn bè, công việc tốt, hạnh phúc gia đình.

 


* Ðã từng là quản lý housekeeping cho Khách sạn 5 sao và Bệnh viện Pháp - Việt, vậy theo chị có sự khác nhau nào giữa housekeeping khách sạn và housekeeping bệnh viện?

Về cơ bản thì vẫn là phục vụ phòng, nhưng ở bệnh viện thì housekeeping phải chú ý đến vấn đề lây nhiễm. Chẳng hạn, đối với khách sạn thì có thể dùng một cái giẻ lau cho nhiều phòng, nhưng ở bệnh viện thì giẻ lau ở phòng bệnh này không được mang sang phòng bệnh khác, thậm chí là đã giặt sạch cùng không được phép dùng, và khi giặt giẻ cũng không được dùng chung máy giặt. Nói chung phải có tính tỉ mỉ, có vốn ngoại ngữ, sức khỏe và không được mắc cỡ. Housekeeping làm việc trước nhiều khách hàng, nếu bạn mắc cỡ là "thua". Nên khi phỏng vấn nhân viên vào làm bộ phận Housekeeping, tôi thường hỏi, nếu đưa bạn ra ngoài đường quét dọn trước mắt bao nhiêu người qua lại, thậm chí nhiều khi trước mắt bạn bè, bạn có làm được không? Nếu trả lời là được thì bạn mới có thể theo nghề.


* Chị khởi nghiệp từ vị trí thấp nhất, vậy đến bây giờ nghề housekeeping đã mang lại cho chị những gì?
Nghề housekeeping đã mang lại cho tôi sự tiếng tăm trong ngành khách sạn, kinh tế đã khá hơn, con cái được đi học nước ngoài. Housekeeping cho tôi vốn sống trong nghề nghiệp, kinh nghiệp để từ đó có thể truyền đạt được kiến thức cho nhân viên hay biết cách trang trí một cái phòng đẹp…

0 comments:

Post a Comment

 
Lên đầu